Một số báo chí Phật giáo Việt Nam tiêu biểu

Ngày đăng: Chu Nhat , 11/12/2022 14:39 .

Báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, được gợi hứng từ phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới và trong điều kiện nền văn học báo chí quốc ngữ đã có những phát triển nhất định.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại, báo chí là một hiện tượng xã hội. Báo chí ra đời do nhu cầu thông tin – giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Một khi xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, trình độ dân trí ngày càng tăng, thì báo chí cũng bước lên những tầm cao mới. Đặc điểm xã hội, con người ảnh hưởng sâu sắc đến báo chí. Vì thế, sự ra đời và phát triển của báo chí khác nhau ở những nơi khác nhau. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi châu lục đều có những đặc điểm phát triển báo chí của riêng mình, do sự khác nhau về môi trường kinh tế, môi trường dân tộc, môi trường chính trị.

Báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, được gợi hứng từ phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới và trong điều kiện nền văn học báo chí quốc ngữ đã có những phát triển nhất định. Vì báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện quan trọng làm lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo, do đó, sự phát triển báo chí Phật giáo Việt Nam gắn liền với diễn trình chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Trong lúc phục vụ cho việc đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo, báo chí Phật giáo Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, xây dựng nền văn học Phật giáo trong văn học chữ quốc ngữ, bảo tồn di sản văn hóa cổ Việt Nam vì phần lớn nền văn hóa đó mang nội dung Phật giáo.

Báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Sơ lược một số báo chí Phật giáo Việt Nam tiêu biểu

Gia Định báo

Khai sinh sớm nhất trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15/4/1865.

Gia Định báo (嘉定報) là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.

Gia Định báo.

Báo Pháp Âm

Pháp Âm là tờ báo Phật giáo đầu tiên được xuất bản ngày 31.8.1929. Chủ nhiệm là hòa thượng Lê Khánh Hòa (1877 – 1947), trụ trì chùa Tiên Linh (Mõ Cày-Bến Tre). Năm 1929, ông có một số đệ tử thân tín ở chùa Sắc tứ Linh thứu, làng Thạnh Phú, Mỹ Tho vì vậy tờ Pháp Âm được phát hành ở chùa nầy, đồng thời cũng là nơi trị sự. Tờ Pháp Âm được in ở nhà in Thạnh Mậu –Sài Gòn. Báo có 48 trang, khổ 14 x 20 cm. Hai bên có hai dòng chữ quốc ngữ và chữ Hán nêu chủ trương của tờ báo là “Từ bi, Bác ái, Tự giác và Giác tha”. Theo dự kiến của người sáng lập, Pháp Âm là nguyệt san, mỗi tập loại 6 quyển, nhưng tờ báo nầy chỉ ra được 1 số duy nhất. Theo lịch sử địa phương, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tờ báo Dân Cày –Tiếng nói của tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho cũng được biên tập phát hành tại chùa Sắc tứ Linh thứu. Chính quyền Thực dân phát hiện, chùa bị lục soát, vị Thủ tọa bị truy nã, Hòa thượng Khánh Hòa phải ôm kinh sách đến sở Mật thám giải trình. Sau biến cố này, tờ Pháp Âm không ra được các số kế tiếp và nó trở thành kỷ yếu của cuộc vận động Chấn hưng phật giáo, các bài viết của Hòa thượng Khánh Hòa rất có giá trị trong việc tìm hiểu phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Báo Pháp Âm và Tổ Khánh Hòa.

Tạp chí Từ Bi Âm

Tạp chí là cơ quan ngôn luận của “Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học” (thành lập: 26-8-1931, trụ sở chùa Linh Sơn, Sài gòn). Tạp chí được cấp giấy phép xuất bản ngày 31-4-1931 (thống đốc Nam kỳ Kreutreimer ký); Xuất bản số đầu tiên: 1-1-1932; Kỳ xuất bản: Bán nguyệt san, người sáng lập làcư sĩ Phạm Ngọc Vinh – Thư ký ngân hàng Đông Pháp – Sài Gòn.

Chủ bút có các vị HT.Bích Liên, Phó Chủ bút: Đại đức Liên Tôn. Chư tôn túc Trí Độ (Bình Định), Thiền Dung (Mỹ Tho), Giác nhật (Cần Thơ),  nhật Chánh… làm trợ bút (cộng tác viên thân thiết). Trụ sở toà soạn: chùa Linh Sơn, in tại nhà in Nguyễn Văn Của.

Dung lượng tạp chí: 3 số đầu 60 trang, từ số 4 trở đi còn 53 trang, sau đó tiếp tục giảm xuống nữa. Nội dung: nhấn mạnh phương diện hoằng pháp – truyền bá Phật học, ban đầu với các (07) chuyên mục: Luận về triết lý nhà Phật, Luân lý nhà Phật, Phiên dịch kinh Phật, Lịch sử nhà Phật, Thời sự nhà Phật, Tiểu thuyết nhà Phật, Văn uyển.

Tạp chí Từ Bi Âm

Lần đầu tiên ở một cơ quan báo chí, Ni giới đã có tiếng nói của mình, nổi bật nhất là cây bút Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942, người Gò Công, Tiền Giang). Với chủ trương: Là cơ quan ngôn luận của Hội. Người có ảnh hưởng nhất đối với tạp chí Từ Bi Âm là HT.Khánh Hoà.

Tháng 11-1933, HT.Khánh Hoà từ chức Phó Hội trưởng và Chủ bút Từ Bi Âm (do Hội không thực hiện được các mục tiêu như tôn chỉ đã đặt ra, trong đó quan trọng là mở các Phật học đường (Thích Học đường). HT.Khánh Hoà về Trà Vinh, kết hợp với quý HT.Khánh Anh, Huệ Quang để tìm hướng đi mới. Sau đó, các vị trợ bút cũng tan rã dần, người thì về Bình Định, vị thì ra Huế, người thì đi thành lập tờ báo khác… Từ số 46, nội dung Từ Bi Âm sa sút, bị một số cá nhân thao túng (Commis Trần Nguyên Chấn) làm diễn đàn bút chiến với các tổ chức (Hội Phật học Kiêm Tế, Lưỡng Xuyên Phật học…) tờ báo Phật giáo khác (Duy Tâm của Lưỡng Xuyên Phật học), hay công kích các cá nhân (HT.Khánh Hoà, Sư Thiện Chiếu…).

Tạp chí Viên Âm

Ngày 1-12-1933, Nguyệt san Viên Âm - cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật học (Hội Phật học Trung kỳ) ra số đầu tiên. Ban Biên tập gồm hai Chứng minh Đạo sư là Hòa thượng Giác Tiên - trụ trì chùa Diệu Đế, Hòa thượng Giác Nhiên - trụ trì chùa Túy Ba và cư sĩ Lê Đình Thám. Chủ nhiệm là Chánh Hội trưởng Nguyễn Đình Hòe, Chủ bút là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Tòa soạn đặt tại số 113 (5) đường Champeau (tức đường Hà Nội hiện nay), Huế (từ 1940 là Route Nam Giao, Huế), in tại nhà in Viên Đế, Huế (từ năm 1943, in tại nhà in Đuốc Tuệ, 73 phố Richaud tức phố Quán Sứ, Hà Nội ngày nay). Tạp chí có khổ 145 x 220 mm, dày từ 62-70 trang (từ năm 1939 trở đi chỉ có 31 - 34 trang). Có lẽ do hoàn cảnh, đội ngũ cộng tác viên mỏng, bài vở không đủ hoặc do điều kiện tài chính khó khăn, có lúc không có giấy mà Viên Âm ra thất thường: kể từ ngày ra số đầu tiên (1-12-1933) đến ngày đình bản, Viên Âm chỉ ra được 78 số tạp chí Viên Âm, nguyệt san Phật học.

Tạp chí Viên Âm

Tuần báo Đuốc Tuệ

Tuần báo Đuốc Tuệ là cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ - Hà Nội thay thế cho Tập kỷ yếu của Hội đã ra được bốn số. Ngày 10-12-1935 tuần báo Đuốc tuệ đã ra số đầu tiên do hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm, ông Cung Đình Bính làm quản lý; sư cụ Phan Trung Thứ (chùa Bằng Sở) làm chánh chủ bút, phó chủ bút là sư cụ Dương Văn Hiển (chùa Tế Cát). Ban biên tập gồm một số cư sĩ:  Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng...và các tăng sĩ: Thượng toạ Thái Hòa, Tố Liên, Trí Hải... ông Trần Trọng Kim làm trưởng ban biên tập, cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật làm thư ký tòa soạn.

Từ năm 1943, cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha làm trưởng ban biên tập. Trụ sở báo đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud (sau 09.03.1945 đổi tên là phố Quán Sứ), Hà Nội.

 

Nội dung Đuốc Tuệ thường gồm các mục: 1. Bàn luận về Phật giáo; 2. Dịch thuật các kinh Phật; 3. Lịch sử chư Tăng, chư Bồ-tát; 4. Truyện các cao Tăng; 5. Ký những nơi danh lam thắng cảnh; 6. Văn thơ; 7. Giải đáp; 8. Chú thích; 9. Tin tức trong nước và thế giới.

Tuần báo Đuốc Tuệ

Nhờ báo có đội ngũ biên tập và cộng tác viên đông đảo gồm các nhân sĩ trí thức nổi tiếng như phó bảng Bùi Kỷ, các cử nhân Hán học Dương Bá Trạc, Nguyễn Thiện Chính... các nhà văn Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Ôn Như ­Nguyễn Văn Ngọc, Phó bảng Nguyễn Can Mộng, Lê Toại...các học giả như Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp...Hoà thượng Tế Cát, Trung Hậu, các Thượng toạ: Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên và các cây bút trẻ sau này như Trí Quang,Tâm Ấn, Thanh Đặc...

Báo Đuốc Tuệ phát hành tới khắp ba miền và sang cả Phnom Penh (Campuchia) và Viên Chăn (Lào). Vào tháng 3-1942, Hoà thượng Phan Trung Thứ viên tịch, Hoà thượng Tế Cát, phó chủ bút lên làm chủ bút báo Đuốc Tuệ cho tới khi đình bản vào ngày 15-8-1945 (số báo cuối cùng là số ghép 257-258).

Báo Đuốc Tuệ là cơ quan báo chí thực hiện chủ trương chấn hưng Phật giáo một cách cụ thể, thực tiễn qua các nội dung trong từng số báo, góp phần rất lớn vào sự thành công của phong trào chấn hưng và xây dựng nền tảng cho Phật học, đặc biệt là Phật học Việt Nam thế kỷ XX.

Tạp chí Duy Tâm Phật Học

Tạp chí Duy tâm Phật học (sau đổi thành Duy Tâm) với số đầu tiên tháng 10.1935, gồm 54 số, đình bản 6.7.1943.

Tạp chí Duy Tâm Phật Học

Nguyệt san Phương Tiện và tạp chí Bồ Đề Tân Thanh với Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt

Do tình thế đòi hỏi, cuối tháng 2-1947, Hoà thượng Tố Liên thành lập Liên đoàn Tăng Ni nội ngoại thành để giải quyết việc hồi cư Hà Nội của Tăng Ni. Sau đó, tổ chức này đổi thành Hội Chỉnh lý Tăng già Bắc Việt, chủ yếu để làm việc với chính quyền đòi lại chùa chiền và  những cơ sở của Phật giáo đã bị chiếm giữ trong lúc tản cư. Trụ sở của Hội đặt ở chùa Quán Sứ.Hội cho xuất bản nguyệt san Phương Tiện và tạp chí Bồ Đề Tân Thanh làm cơ quan hoằng pháp. Ngày 22-9-1949 Hội khai giảng trường Tăng ở chùa Quán Sứ rồi đến 26-9-1949 lại mở trường Ni ở chùa Vân Hồ. Cùng trong thời gian này, Hội Việt nam Phật giáo Bắc Việt ra đời, là một hội của cư sĩ. Vào năm 1950, Hội Chỉnh lý Tăng già Bắc Việt đổi tên là Giáo hội Tăng già Bắc Việt, suy cử ngài Mật Ứng làm Thiền gia Pháp chủ.  

Tạp chí Bác Nhã Âm

Tạp chí Bác Nhã Âm, số 1 ra ngày 15.3.1936, đình bản cuối năm 1943 , gồm 23 số. 

Tạp chí Bác Nhã Âm

Tạp Chí Giác Ngộ

Trong năm 1947, Phật học đường Báo Quốc được mở cửa trở lại. Hội Việt Nam Phật học cũng được thành lập thay cho An Nam Phật học hội. Tổ chức “Sơn môn Tăng già Trung Việt” được thành lập trước hết tại Thừa Thiên rồi lan dần ra các tỉnh. Sơn môn cung thỉnh ngài Thích Tịnh Khiết làm Tùng lâm Pháp chủ. Về phương diện báo chí, một tạp chí Phật học được xuất bản, lấy tên là Giác Ngộ, do một số thanh niên tăng sĩ và cư sĩ chủ trương, trong đó có Võ Đình Cường, Cao Khả Chính, Trương Tú, Trịnh Tiên, Phạm Đăng Trí và Trúc Diệp… Sau đó, tờ Viên Âm được tục bản với sự chăm sóc của thiền sư Trí Quang, làm cơ quan ngôn luận chính thức của hội Việt Nam Phật Học.

Tạp chí Giác Ngộ.

Tạp chí Từ Quang

Tại miền Nam, nhiều Phật học đường được lập lại ngay từ năm 1946. Đến năm 1950, các Phật học đường hợp nhất thành Phật học đường Nam Việt đặt trụ sở tại chùa Ứng Quang, sau đổi tên thành chùa Ấn Quang. Trong số những người ủng hộ việc thành lập Phật học đường Nam Việt, có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền vận động thành lập hội Phật Học Nam Việt, ra đời ngày 25.2.1951 tại Sài Gòn. Hội cho xuất bản tạp chí Từ Quang làm cơ quan ngôn luận chính. Ngày 5.6.1951 một cuộc đại hội của chư tăng tại chùa Hưng Long đã đi đến sự thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang. Thiền sư Đạt Từ làm trị sự trưởng của Giáo Hội và thiền sư Nhật Liên đảm nhận trách vụ tổng thư ký. Thiền sư Đạt Thanh (chùa Giác Ngộ) được suy tôn làm pháp chủ lâm thời.

Tạp chí Từ Quang

Liên Hoa Nguyệt San

Đây là cơ quan truyền bá Phật pháp của Giáo hội Tăng già Trung Việt (tên gọi ban đầu là Liên Hoa văn tập, ra mắt số đầu tiên tại Huế vào ngày 25-3-1955; từ năm 1958 chuyển thành Liên Hoa nguyệt san, phát hành vào ngày rằm âm lịch mỗi tháng). Liên Hoa văn tập số 1 (bộ 2)  do Liên Hoa tùng thư xuất bản năm 1956.

Chủ nhiệm là Hoà thượng Thích Đôn Hậu.  Thượng toạ Thích Đức Tâm làm chủ bút (sau này là Tổng Thư ký). Sư bà Thích nữ Diệu Không làm quản lý. Toà soạn ban đầu đặt tại Quốc tự Diệu Đế, sau dời về số 66 Chi Lăng, in tại nhà in Liên Hoa. Liên Hoa nguyệt san có khổ 14,5 x 22cm, dung lượng 60-62 trang.

Liên Hoa Nguyệt San

Nội dung hoằng pháp của Liên Hoa nguyệt san được chuyển tải hết sức mềm mại, uyển chuyển qua các chuyên mục văn nghệ, đồng thời bày tỏ thái độ riêng của giới Phật giáo về các vấn đề chính trị, nhất là giai đoạn chống chính sách đàn áp, kỳ thị Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm.

Liên Hoa nguyệt san có sự góp lực của nhiều cây bút uy tín lúc bấy giờ, như chư tôn túc Thích Trí Quang, Thích Mãn Giác, Thích Minh Châu, Dạ Quang (Sư cô), Thể Quán (Sư bà), các tác giả Võ Đình Cường, Quách Tấn Phát, nữ sĩ Tuệ Mai, Hoạ sĩ Phạm Đăng Trí…Tạp chí đình bản vào năm 1966, duy trì và phát triển được 11 năm.


Các tin bài, hình ảnh, thư từ muốn đăng lên Website: chuathien.vn xin gửi vào địa chỉ: chuathien2014.@gmail.com
Ý kiến của bạn 0
Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài và điền đầy đủ thông tin. Bình luận của bạn sẽ được phản hồi trong thời gian sớm nhất

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?
Số lượngTỷ lệ
231( 50 %)
59( 13 %)
24( 5 %)
34( 7 %)
115( 25 %)
Số người tham gia bình chọn: 463
Lần bình chọn đầu tiên: Thứ 5 , 18/04/2013 17:12
Lần bình chọn sau cùng: Thứ 3 , 20/09/2022 23:04

Thông báo

KẾ HOẠCH KHÓA TU THỰC TẬP ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI XUẤT GIA KÌ 2 - 2023

Ban Hoằng pháp GHPGVN huyện Thường Tín, Lớp Phật học trực tuyến, Đạo tràng Cấp Cô Độc, chùa Phúc Lâm...
Chi tiết »

Thông báo: Trực tiếp lễ khởi công xây dựng Tam Bảo giai đoạn 2, động thổ đền Trần, ... trồng cây

Thời gian: 8h00, ngày 19/02/2023 Trực tiếp trên Youtube, Facebook: Phật học trực tuyến
Chi tiết »

THÔNG BÁO: MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XUÂN QUÝ MÃO - 2023 CỦA CHÙA PHÚC LÂM

Đầu xuân Quý Mão - 2023, chùa Phúc Lâm tổ chức một vài hoạt động kiến thiết xây dựng...
Chi tiết »

LỜI PHỔ KHUYẾN XÂY DỰNG GIẢNG ĐƯỜNG CHÙA PHÚC LÂM

Vì vậy, chùa Phúc Lâm, viết lời phổ khuyến công đức, rất mong quý vị Phật tử, nhân dân, thiện...
Chi tiết »

THÔNG BÁO Khóa tu 7 ngày “Khóa tu Phật thành đạo”

THÔNG BÁO Khóa tu 7 ngày “Khóa tu Phật thành đạo”  
Chi tiết »

Video

Đại đức Thích Chánh Thuần - Làm sao để đón tết an lành

Tết cổ truyền Quý Mão đã về trên khắp mọi miền tổ quốc, không khí đón xuân rạo rức muôn...
Chi tiết »

Video: Lễ đúc chuông đại hồng chung chùa Phúc Lâm

Sáng ngày 19/3/2017, chùa Phúc Lâm thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín,...
Chi tiết »

Diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản 2016 chùa Phúc Lâm - thôn Cao Xá

Diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản 2016 chùa Phúc Lâm - thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường...
Chi tiết »

An Viên Focus: GHPGVN chung tay xây dựng tình đoàn kết tôn giáo

An Viên Focus: GHPGVN chung tay xây dựng tình đoàn kết tôn giáo
Chi tiết »

ĐĐ. Thích Chánh Thuần và TS. Đỗ Đức Khả chia sẻ Nghiệp vụ viết bài báo Khoa học – Nghiên cứu học thuật

ĐĐ. Thích Chánh Thuần và TS. Đỗ Đức Khả chia sẻ Nghiệp vụ viết bài báo Khoa học – Nghiên cứu học...
Chi tiết »

Tin tức mới

Linh thiêng đêm thiền trà với giới tử trẻ

Trước khi chính thức được thụ nhận giới pháp cao quý, bước chân làm người con dòng họ Thích, tại Đại...
Chi tiết »

CHÙA HƯNG HIỀN (THƯỜNG TÍN)

Chùa Hưng Hiền (Linh Quy tự) xã Hiền Giang, huyện Thường Tín trước đây vốn là một vùng danh thắng. Trải qua...
Chi tiết »

ĐÌNH THƯỢNG CUNG (THƯỜNG TÍN)

Thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, Thường Tín là một làng quê nằm bên tả con sông Nhuệ, xưa kia...
Chi tiết »

Ngôi chùa cổ lưu giữ hơn 3000 mộc bản kinh Phật

Ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, tồn tại từ thời Lý, được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản trong chùa là di...
Chi tiết »

Thăm dò ý kiến

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?




Thống kê truy cập

00000004

Hôm nay: 131

Hôm qua: 1579

Tháng này: 37110

Tháng trước: 40273

Tất cả: 4387870


Đang online: 25
IP: 44.200.168.16
Unknown 0.0